Quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ

Quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Thủ tục và thẩm quyền thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

 Bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn khi mà chúng ta đang thiết lập một nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Quốc hội Việt Nam đã cho sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 với mong muốn hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với kinh tế nước ta. Theo đó đối với từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rất cụ thể các điều kiện, cũng như thẩm quyền và trình tự thủ tục chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với từng đối tượng.

 

 

1. Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

- Các hình thức chuyển giao:

+ Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

+ Chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

- Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:

+ Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

+ Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

+ Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

+ Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

+ Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

- Điều kiện hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:

+ Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

+ Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

+ Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

+ Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

+ Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.

- Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc:

+ Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

+ Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

+ Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

+ Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật Sở hữu trí tuệ còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

2. Chuyển giao quyền tác giả - quyền liên quan đến quyền tác giả:

- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan:

Điều kiện chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan theo điều 45 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

+ Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

+ Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân theo quy định như: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

+ Trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân như: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

+ Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

- Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định tại Điều 47 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), để thực hiện chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền theo quy định.

+ Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân.

+ Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

+ Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Nếu như doanh nghiệp còn thắc mắc, không hiểu các vấn đề liên quan đến việc thủ tục từ hồ sơ, quy trình, chi phí… hãy liên hệ cho chúng tôi theo các thông tin sau: hotline 0981 317 075 - 028.6293 9377 hoặc để lại thông tin tại website của Thiên Di.

 CÔNG TY TNHH TMDV THIÊN DI

Địa chỉ: Số 60 Lê Trung Nghĩa, Phường 12, Quận Tân Bình, TP.HCM

Hotline: 0981317075 - 0968 360 760

Điện thoại: 028.6293 9377

Email: info@luatthiendi.com